Truyền thống văn hóa
Lượt xem: 29
Truyền thống văn hóa

Mang đặc điểm dân cư, xã hội của vùng miền núi đông bắc, trên địa bàn xã Đình Phùng, các dân tộc anh em Tày, Nùng, Dao cùng sinh sống. Tống số dân trong xã có trên 3.100 người. Trải qua thời gian, cộng đồng các dân tộc xã Đình Phùng luôn đoàn kết, gắn bó, thuận hòa, chung tay xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc và tô thắm bản sắc văn hóa quê hương. Đời sống tín ngưỡng của người dân địa phương nổi bật lên việc thờ cúng tổ tiên và thờ thổ thần. Người dân coi trọng Tết Thanh Minh ngày mồng ba tháng Ba âm lịch hằng năm, tưởng nhớ tổ tiên, những người đã khuất. Kho tàng văn hóa dân gian phong phú và có nhiều làn điệu dân ca đậm đà bản sắc dân tộc làm sinh động bức tranh văn hóa truyền thống ở địa phương.

Cùng với các địa phương khác trong huyện Bảo Lạc và tỉnh Cao Bằng, xã Đình Phùng là một bộ phận của “miền quan yếu” ở phía Bắc, có vị trí quan trọng về chính trị - quân sự. Trong tiến trình lịch sử dân tộc, đồng bào các dân tộc xã Đình Phùng không ngừng đấu tranh củng cố nền độc lập tự chủ, chống lại các chế độ cai trị hà khắc, xây dựng nên truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường.

Thế kỉ XIX, dưới triều Nguyễn, chính sách ức hiếp của quan quân đối với nhân dân vùng biên viễn Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên,... đã khiến nhân dân căm phẫn, nổi dậy khởi nghĩa. Từ năm 1829, Nông Văn Vân, tri châu Bảo Lạc (Cao Bằng), đã không thi hành lệnh của vua điều binh đàn áp các cuộc nổi dậy của nông dân miền núi. Tháng 8/1833, triều đình nhà Nguyễn cách chức tri châu Bảo Lạc của Nông Văn Vân rồi sai người tới bắt ông về xét hỏi. Ông đã kêu gọi nông dân các tỉnh miền núi phía Bắc nổi dậy chống lại quân triều đình. Cuộc khởi nghĩa bùng nổ nhanh chóng thu hút được thổ ty, thổ mục các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên tham gia. Nông Văn Vân tự xưng là Tiết chế thượng tướng quân, lấy Vân Trung và Ngọc Mạo làm căn cứ chính. Nhiều người dân vùng đất xã Đình Phùng đã đứng trong đội quân của Nông Văn Vân, chiến đấu chống lại cường quyền. Tháng 3/1835, trước sự đàn áp của triều đình, cuộc khởi nghĩa Nông Văn Vân bị dập tắt.

Tháng 10/1886, thực dân Pháp đánh chiếm Cao Bằng. Cùng nhân dân trong tỉnh, nhân dân vùng đất xã Đình Phùng đã anh dũng chống trả. Bởi vậy, sau 10 năm, năm 1895, thực dân Pháp mới đặt được ách cai trị lên đất Cao Bằng. Chúng duy trì và củng cố bộ máy chính quyền phong kiến từ tỉnh xuống châu, tổng, xã và tăng cường lực lượng vũ trang, vơ vét sức người sức của, lập đồn bốt kiểm soát và đàn áp phong trào cách mạng địa phương. Riêng ở châu Bảo Lạc, chúng vẫn duy trì chế độ thổ ty với đầy đủ tính chất và nội dung của chế độ phong kiến sơ kỳ. Do đó, các dân tộc ở Bảo Lạc, trong đó có các dân tộc vùng đất xã Đình Phùng vốn đã chịu nhiều khổ cực vì ách áp bức thực dân, lại phải thêm tầng áp bức khác đè nặng. Người nông dân bị thổ ty bóc lột bằng tô thuế, lao dịch, cống phẩm và bị áp bức nặng nề về mặt tinh thần. Chính sách thống trị, áp bức bóc lột kiểu thực dân, phong kiến làm cho quan hệ xã hội ở vùng đất xã Đình Phùng thêm phức tạp. Xã hội phân hoá sâu sắc. Đồng bào đã đói khổ lại càng thêm cùng cực, đặc biệt là người nông dân.

Mâu thuẫn giữa nhân dân các dân tộc Bảo Lạc, trong đó có nhân dân vùng đất Đình Phùng với bọn thực dân xâm lược và phong kiến tay sai, thổ ty, trở nên gay gắt không thể dung hoà được.

Không cam chịu làm nô lệ, nhân dân vùng đất xã Đình Phùng đã cùng nhân dân các dân tộc huyện Bảo Lạc đứng lên chiến đấu bảo vệ quê hương, dấy lên phong trào kháng Pháp mạnh mẽ. Truyền thống đấu tranh hun đúc trong lịch sử là hành trang để nhân dân các dân tộc xã Đình Phùng tiếp tục phát huy khi có ánh sáng cách mạng soi đường

Đình Phùng là vùng đất có nhiều nét văn hóa đặc sắc, rực rỡ sắc màu của các dân tộc vùng cao với  lễ hội truyền thống: lễ hội Lồng Tồng; Các làn điệu dân ca như Lượn cọi, phong slư, hát then của dân tộc Tày, lượn Nàng ơi của dân tộc Nùng, hát lượn của dân tộc Dao; Các phong tục tập quán như Lễ phong chức, cấp sắc (Tẩu Sai) của dân tộc Dao; …các nghề thủ công truyền thống: làm giấy bản, dệt thổ cẩm,...

Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được cấp ủy, chính quyền xã quan quan tâm, chú trọng và thực hiện các giải pháp nhằm tôn tạo, phục dựng các giá trị văn hóa; tích cực quảng bá các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, từng bước xây dựng các sản phẩm du lịch thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm tại địa phương.

Nguồn: Lịch sử đảng bộ xã Đình Phùng (1986-2020)

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

                                                TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ ĐÌNH PHÙNG HUYỆN BẢO LẠC
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Quan Văn Kim- Phó Chủ tịch xã Đình Phùng,  huyện Bảo Lạc
Địa chỉ: Xóm Phiêng Chầu 1 - xã Đình Phùng - huyện Bảo Lạc, Tỉnh Cao Bằng
Email:xadinhphung@caobang.gov.vn - Điện thoại:02063608151
Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử xã Đình Phùng huyện Bảo Lạc (hoặc http://dinhphung.baolac.caobang.gov.vn) khi trích dẫn thông tin từ đ

           Chung nhan Tin Nhiem Mang